Trong giai đoạn 2016 - 2020 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, có sự chuyển biến căn bản, nhiều nhà máy chế biến sâu khoáng sản, chế biến nông - lâm sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ước đạt 5.604.644 triệu đồng; trong đó: công nghiệp khai thác ước đạt 1.486.677 triệu đồng, chiếm 26,53 % giá trị sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến ước đạt 3.734.956 triệu đồng, chiếm 66,64 % giá trị sản xuất công nghiệp, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 258.945 triệu đồng, chiếm 4,62 % giá trị sản xuất công nghiệp, ngành cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải, nước thải ước đạt 124.066 triệu đồng, chiếm 2,21 % giá trị sản xuất công nghiệp. Trong giai đoạn này, giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng bình quân ước đạt 10,66 % /năm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế:
Ngành khai thác: Các mỏ khoáng sản hầu hết quy mô nhỏ, trữ lượng thấp, chất lượng thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản còn hạn chế, tính khả thi chưa cao; một số doanh nghiệp hoạt động không đạt hiệu quả kinh tế theo báo cáo đầu tư đã lập; việc chấp hành các qui định nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước của hầu hết các doanh nghiệp chưa nghiêm túc, tự giác.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Đa số các cơ sở chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản… hoạt động chủ yếu theo hình thức gia công, bán sản phẩm thô nên có giá trị gia tăng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao; một số nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất chưa phù hợp với nguồn nguyên liệu hoặc công tác quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế nên chi phí vận chuyển cao, làm giảm thu nhập của người trồng nguyên liệu và tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp; một số dự án đầu tư triển khai chậm, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Quy hoạch năng lượng còn chưa cập nhật điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Nguồn vốn đầu tư cho công tác phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; vốn cho đầu tư phát triển lưới điện mới hầu như không có; việc đầu tư phát triển lưới điện để cấp điện cho các thôn bản và hộ sử dụng chủ yếu là do Trung ương cấp và chưa đáp ứng kịp thời.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Mạng lưới tuyến ống phân phối, trạm tăng áp, kiểm soát hệ thống cấp nước chưa được chú trọng đầu tư, tỷ lệ thất thoát, lãng phí nước còn cao; mạng cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt chưa phủ khắp được tất cả hộ dân thành thị và ven khu vực thành thị; chưa thu hút được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại địa bàn các huyện.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: tác động của kinh tế thế giới, giá xăng dầu, điện, vật tư, nguyên liệu đầu vào, thuế, phí… tăng, giảm thất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp; một số chính sách thu hút đầu tư và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ và thay đổi nhanh; còn có sự chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về đầu tư, luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành; hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực của tỉnh đã có bước phát triển nhưng chưa đảm bảo phục vụ, đáp ứng cho phát triển công nghiệp.
Công tác xúc tiến đầu tư, thẩm định năng lực nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện xử lý vi phạm theo quy định chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp còn chưa kịp thời.
Để công nghiệp tỉnh phát triển một cách bền vững, phát huy tối đa các lợi thế, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đưa tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy Bắc Kạn đã định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là tập trung phát triển, nâng cao giá trị của các ngành công nghiệp:
Công nghiệp chế biến:
- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và dược liệu: Bố trí các cơ sở chế biến phù hợp với không gian, kết hợp đầu tư, đổi mới công nghệ để chế biến sâu, tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao kết hợp với tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế nhằm ổn định nguồn nguyên liệu chế biến nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm - đồ uống: Tập trung mạnh vào những ngành có lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào của Bắc Kạn. Phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao, quy mô lớn như dong riềng, tinh bột nghệ, cam quýt, hồng không hạt, chè… Xây dựng các cơ sở chế biến tập trung mới cân đối với quy mô nguồn nguyên liệu. Ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến sản xuất sản phẩm chất lượng cao, hướng tiêu thụ ra thị trường ngoài tỉnh có khả năng cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
- Công nghiệp chế biến gỗ, giấy và các sản phẩm khác: Tập trung phát triển các cơ sở sản xuất dăm gỗ, gỗ ép MDF, gỗ ván dán, ván ghép thanh, ván sàn tre, gỗ lạng, gỗ xẻ; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa, nilon; đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu; chú trọng phát triển sản xuất các mặt hàng từ tre như chiếu tre, đũa tre phục vụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện và đưa vào hoạt động: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến nông, lâm sản công suất 40 tấn tinh dầu quế/năm và 03 tấn tinh dầu hồi/năm tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến lâm sản, công suất: 2.800 tấn đũa gỗ xuất khẩu/năm, 3.500m3 phôi gỗ ván ghép thanh/năm và 3.200 tấn dăm gỗ/năm tại xã Bình Trung Chợ Đồn…
Công nghiệp chế tạo:
- Lĩnh vực cơ khí: Phát triển cơ khí đáp ứng cơ bản các nhu cầu của tỉnh về các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp và nông thôn (dụng cụ, nông cụ cầm tay và các dịch vụ sửa chữa, bảo hành máy và thiết bị). Khuyến khích phát triển sản xuất cơ khí lắp ráp, chế tạo máy móc thiết bị chế biến nông lâm sản thực phẩm và hàng tiêu dùng. Kêu gọi đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí, sản xuất tấm lợp kim...
- Lĩnh vực luyện kim: Gắn với việc khai thác khoáng sản, kết hợp hoá các cơ sở hiện có với xây dựng mới các nhà máy hiện đại, bảo vệ hợp lý tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái. Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm như sắt, gang thỏi, kẽm thỏi, chì kim loại.
- Lĩnh vực thiết bị điện, điện tử: Khuyến khích và có cơ chế cho đầu tư công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất linh kiện điện tử, chip điện tử, bo mạch điều khiển, phần mềm các loại và linh kiện nhựa, cao su cung ứng cho các nhà sản xuất lắp ráp trong nước và xuất khẩu .
- Lĩnh vực dệt may - da giầy: Tập trung chuyển mạnh từ gia công sang phương thức mua nguyên liệu bán sản phẩm; đầu tư 01 nhà máy may xuất khẩu, công suất 1 triệu sản phẩm/năm tại thành phố Bắc Kạn; đầu tư thành lập cơ sở may, thêu thổ cẩm, dệt thủ công truyền thống và những cơ sở may trang phục, làm hàng lưu niệm nhằm phát huy và bảo tồn làng nghề truyền thống tại các huyện có làng nghề truyền thống.
Công nghiệp khai thác:
- Tập trung khai thác các khoáng sản có giá trị kinh tế mà tỉnh Bắc Kạn đang có lợi thế như quặng chì, kẽm, quặng sắt, sắt mangan, quặng vàng gốc để đưa vào chế biến sâu, chế biến tinh khoáng sản sau khai thác đảm bảo đủ nguyên vật liệu cho các cơ sở luyện kim của tỉnh ;
- Đa dạng hoá quy mô khai thác khoáng sản trên cơ sở không lãng phí tài nguyên dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương. Chú trọng công tác thăm dò tìm kiếm mỏ mới, trữ lượng mới, đồng thời thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự để đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện:
- Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án năng lượng điện tái tạo trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành 02 nhà máy thủy điện là Thác Giềng 1 và 2 công xuất thiết kế 7,3 MW và nhà máy thủy điện Pác Cáp công suất 6,0 MW, dự kiến phát điện từ cuối năm 2020; hoàn chỉnh việc rà soát, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, để khai thác hiệu quả tiềm năng về thủy điện trên địa bàn dự kiến khoảng 80MM, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 30 MW nhà máy thủy điện đi vào hoạt động .
- Điều chỉnh bổ sung quy hoạch lưới điện, đầu tư hạ tầng lưới điện theo quy hoạch; chỉ đạo Công ty Điện lực Bắc Kạn thực hiện việc đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các công trình điện hiện có bằng nguồn vốn của ngành điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn và đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
- Phối hợp tốt với Bộ, ngành Trung ương trong việc huy động vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đồng thời hàng năm bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách địa phương để phát triển lưới điện, nhất là phát triển lưới điện cho các vùng chưa có điện. Phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 98,5 % .
Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải:
- Cải tạo, xây dựng mạng lưới tuyến ống phân phối, trạm tăng áp, trang bị mới và thay thế thiết bị điều khiển và kiểm soát hệ thống cấp nước, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống cấp nước, phấn đấu đạt tỷ lệ thất thoát, lãng phí nước ở mức thấp (10 - 20 %). Phấn đấu đến 2025 đạt 95 % hộ dân thành thị và hộ dân nông thôn được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt .
- Duy trì hoạt động của nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Bắc Kạn và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại địa bàn các huyện đảm bảo đến năm 2025 đáp ứng tối thiểu toàn tỉnh xử lý được trên 90 % nước thải sinh hoạt.
- Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt tại thành phố Bắc Kạn đảm bảo công suất xử lý, chế biến rác thải cho toàn tỉnh./.