LỚP BỒI DƯỠNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP SỞ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG TỈNH BẮC KẠN NĂM 2022 THĂM QUAN, NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI KHU CÔNG NGHIỆP
Theo chương trình học, ngày 03/12/2022 Lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2022 có chương trình nghiên cứu thực tế tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Thành phần đoàn có đại diện lãnh đạo và giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, lãnh đạo Sở Nội vụ và 60 học viên của lớp là lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố. Làm việc cùng đoàn có ông Hoàng Văn Khởi - Phó Trưởng ban phụ trách và công chức, viên chức của Ban Quản lý các KCN; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thanh Bình.
Đoàn đã đến thăm, nghiên cứu hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Vietnam Misaki, mục tiêu là chế biến nông sản mơ, mận, gừng, kiệu, rau cải, măng…. để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (Năm 2022 Công ty sản xuất chế biến đạt hơn 400 tấn, doanh thu hơn 18 tỷ đồng, xuất khẩu đạt hơn 750.000 USD, giải quyết việc làm cho hơn 80 lao động, chủ yếu là người dân địa phương, thu nhập bình quân của người lao động là 7.000.000 đồng/người/tháng) và 02 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là Công ty CP Ván dán Hồng Ngọc chuyên sản xuất gỗ ván dán (Năm 2022 Công ty sản xuất đạt hơn 20.000m3, doanh thu đạt 144 tỷ đồng, xuất khẩu hơn 70 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động, thu nhập bình quân của người lao động là 7.500.000 đồng/người/ tháng) và Công ty TNHH Kẻ Gỗ chủ yếu là chuyên sản xuất dao, thìa, dĩa làm bằng gỗ sử dụng 1 lần (Năm 2022 Công ty sản xuất đạt hơn 27 triệu chiếc, doanh thu đạt hơn 2,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân của người lao động là 6.500.000 đồng/người/tháng).
Ảnh Đoàn nghiên cứu thực tế đi thăm quan một số nhà máy trong Khu công nghiệp Thanh Bình và tặng 10 xuất quà, trị giá 500.000 đồng/xuất cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các nhà máy.
Tiếp đó, Đoàn nghiên cứu thực tế làm việc tại trụ sở của Ban Quản lý các khu công nghiệp. Tại buổi làm việc với Đoàn nghiên cứu thực tế Lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2022, ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Ban phụ trách báo cáo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các KCN tỉnh được UBND tỉnh Bắc Kạn quy định tại Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 31/10/2022. Theo đó một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý các KCN tỉnh là: Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, phương án phát triển hệ thống, quy hoạch xây dựng, kế hoạch có liên quan tới khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đăng ký đầu tư, Ban quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghiệp; Giám sát, đánh giá việc thu hút đầu tư vào từng loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái theo các ngành, nghề thu hút đầu tư đã đăng ký quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 và điểm a khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ; Giám sát, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 8, khoản 3 Điều 9 và điểm c khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ; Thực hiện thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng đối với dự án, công trình xây dựng trong khu công nghiệp; kiểm tra các loại công trình xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khác của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với dự án, công trình xây dựng trong khu công nghiệp; Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức, thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về thương mại; Cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp; Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, bao gồm: Tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động; báo cáo tình hình sử dụng lao động; tiếp nhận báo cáo tình hình sử dụng người lao động nước ngoài, báo cáo tình hình thay đổi lao động qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; nhận báo cáo về việc cho thuê lại lao động, kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hằng năm; thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Thực hiện trách nhiệm về bảo vệ môi trường của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Tiếp nhận đăng ký khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành quy định của pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường đối với các dự án tại khu công nghiệp; Phối hợp với các đơn vị công an và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác trong việc kiểm tra công tác giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, xây dựng và đề xuất những biện pháp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức lực lượng bảo vệ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong khu công nghiệp; Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại khu công nghiệp và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền; Nhận báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của khu công nghiệp; trực tiếp quản lý và vận hành hệ thống thông tin về khu công nghiệp; Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý; Báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình: Xây dựng và phát triển khu công nghiệp; tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; hoạt động của dự án đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp; Hỗ trợ, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, liên kết, hợp tác với nhau thực hiện cộng sinh công nghiệp, các biện pháp sản xuất sạch hơn, chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái; Tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong khu công nghiệp trên các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước trực tiếp của Ban Quản lý; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tài chính, tài sản, ngân sách được giao; thu và quản lý sử dụng các loại phí, lệ phí; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức của Ban Quản lý; Thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, quản lý, hỗ trợ chuyển đổi, phát triển loại hình khu công nghiệp mới; Thực hiện nhiệm vụ khi được phân cấp ủy quyền.
Ảnh lưu niệm Đoàn nghiên cứu thực tế làm việc tại Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn
Ảnh Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Trưởng ban phụ trách phát biểu chia sẻ
Đồng thời, ông Hoàng Văn Khởi, Phó Trưởng Ban phụ trách báo cáo về tình hình hoạt động, phát triển Khu công nghiệp Thanh Bình trong những năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thanh Bình và định hướng phát triển phương án Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 08 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.161ha.
Đoàn nghiên cứu thực tế xem phóng sự về Khu công nghiệp Thanh Bình và cùng thảo luận, trao đổi và chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác quản lý. Thông qua chương trình học tập thực tế, các học viên đã được bổ sung những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý góp phần làm giàu vốn kiến thức phục vụ cho công tác nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo của mỗi học viên đồng thời nắm bắt tình hình thực tế phát triển công nghiệp của tỉnh nhà và cùng nỗ lực góp sức phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Bắc Kạn ngày càng vững mạnh hơn.
Phát biểu về chương trình học tập thực tế của Lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2022, ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn nghiên cứu thực tế đã bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ Đoàn nghiên cứu thực tế của Lớp Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương năm 2022.
Ảnh ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn nghiên cứu thực tế phát biểu tại buổi làm việc
Đề cao vai trò quan trọng của lãnh đạo, quản lý trong việc nâng cao chất lượng giải quyết công việc, hiệu quả quản lý nhà nước, ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn nghiên cứu thực tế đã nhấn mạnh, ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thì cần phải bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Chuyến đi nghiên cứu thực tế này cũng là một diễn đàn để các học viên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị với nhau, đồng thời hiểu rõ hơn và đánh giá cao hơn nữa về phát triển công nghiệp của tỉnh, đây cũng là một trong những điểm mạnh để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Kạn nói chung và sự phát triển các khu công nghiệp nói riêng.
Thu Hằng – Ma Doãn Hiệu