Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Luật Công đoàn năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024
Sáng ngày 5tháng 02 năm 2025 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2024, Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đ/c Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Tham dự tại Hội nghị gồm các đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh, Huỳnh Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Hùng dự hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Công đoàn Viên chức tỉnh Bắc Kạn gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Liêm Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh và các chủ tịch, phó chủ tịch của 55 công đoàn cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang nêu rõ Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động; là trách nhiệm của toàn hệ thống, là nhiệm vụ thường xuyên để chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động. Năm 2024 là thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Đó là tập trung xây dựng và tham gia xây dựng các dự án Luật quan trọng trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội như: Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, đặc biệt là Luật Công đoàn (sửa đổi) mang tính chính trị, pháp lý cao do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan đề nghị và chủ trì soạn thảo.
Theo vị Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong đó, nắm vững những quy định của Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội và sớm có hành động thiết thực, cụ thể để đưa quy định của pháp luật vào cuộc sống là nhiệm vụ của mỗi cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn các cấp.
Hội nghị nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn về nội dung Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2024; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật được triển khai kịp thời, hiệu quả trên thực tế.
Hội nghị đồng thời khen thưởng nhiều tập thể cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn 2024 với 443/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật có 6 chương, 37 điều (tăng 4 điều so với Luật hiện hành) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn...
Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật: Mở rộng quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người làm việc không có quan hệ lao động; mở rộng quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; quy định quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn; quy định cụ thể hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm theo hướng phân loại nhóm hành vi một cách rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 gồm 11 Chương, 141 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 với nhiều thay đổi lớn và bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia.
Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng được tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện; thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau; bổ sung chế độ thai sản và chế độ tai nạn lao động vào chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung...
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia Bảo hiểm xã hội thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Thanh Giang