TIẾP TỤC PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC DOANH NHÂN TRONG KHU CÔNG NGHIỆP THANH BÌNH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH BẮC KẠN
Những năm qua đội ngũ doanh nhân trong Khu công nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp vẫn duy trì hoạt động, sử dụng lao động theo phương án “3 tại chỗ” cho hơn 1.000 nghìn lao động, với việc ưu tiên vắc xin sớm cho lao động tại khu công nghiệp, đã góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, không để giãn đoạn sản xuất.
Trong 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thanh Bình đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp trên 900 tỷ đồng, thu hút trên 1.000 lao động với mức lương bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thanh Bình còn tích cực đồng hành cùng chính quyền tham gia công tác xã hội như ủng hộ quỹ vắc xin Covid-19, đồng hành tổ chức các giải thể thao cho công nhân…
Dưới đây mà một số hình ảnh về hoạt động của các dự án trong KCN:
Sản phẩm của Nhà máy sản xuất ván gỗ ép của Công ty cổ phần ván dán Hồng Ngọc đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đủ sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, Công ty hướng tới trở thành nơi tiêu thụ lớn nhất trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm ván bóc thô để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động của Nhà máy. Công ty cũng có sản phẩm nhận được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. |
![]() |
Công ty TNHH Kẻ gỗ một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (đồ dùng một lần thay thế nhưa như: Dao, Thìa, dĩa được làm bằng gỗ…) Sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt khắp các thị trường Mỹ, EU…
Các dự án mới đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động sớm, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, thu hút thêm nguồn nhân lực mới (trong ảnh: Dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ pallet của Công ty Nam Á đang thi công xây dựng)
Cũng không thể không nhắc đến đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đang làm khảo sát, làm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp như Công ty cổ phần Osen Fuji Bắc Kạn, Công ty cổ phần Đức Anh, Công ty cổ phần Sơn Phúc đã rất tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với BQL các KCN khẩn trương khảo sát các vị trí thuận lợi có thể làm khu công nghiệp để đưa vào quy hoạch tỉnh để sớm có thể tăng diện đất công nghiệp cho tỉnh. Với mục tiêu đề xuất của Ban đến năm 2030 diện tích đất Khu công nghiệp toàn tỉnh cần đạt hơn 700ha, tầm nhìn đến năm 2050 trên 3.000 ha. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng là vô cùng quan trọng (trong ảnh Ông Hoàng Văn Khởi – Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN cùng nhà đầu tư đi khảo sát lập quy hoạch KCN).
Ông Hoàng Văn Khởi Phó trưởng Ban phụ trách BQL các KCN nhấn mạnh “Sự trưởng thành, lớn mạnh của các doanh nghiệp, doanh nhân trong Khu công nghiệp và các nhà đầu tư tìm hiểu phát triển hạ tầng Khu công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Khu công nghiệp nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần tiếp tục phát huy, thể hiện vai trò trong nền kinh tế, tích cực đóng góp vào công cuộc đổi mới của địa phương”.
Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong KCN, BQL các KCN sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh có những cơ chế phù hợp, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững.
Đặng Xuân Tùng