Hội nghị trực tuyến toàn quốc - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

2024-02-08 09:14:10

        Chiều ngày 02/02/2024, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về đánh giá kết quả công tác cải cách do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì.

 Ngay-2-2-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

        Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh; Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Ngay-2-2-2024-1 

Hình ảnh điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

        Trong năm 2023 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

        Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 92 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 372 Thông tư; HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành 3.427 văn bản quy phạm pháp luật. 
Công tác cải cách TTHC được chú trọng, quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 05 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định. Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28.59% và tại các địa phương đạt 39.48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28.6% và tại các địa phương đạt 45.3%…

        Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét.

        Việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.

        Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình tốt. Tính đến tháng 12/2023 đã có 49/63 địa phương ban hành chính, sách giảm phí, lệ phí và 13/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT…Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả, những hạn chế trong công tác cải cách hành chính năm 2023 và đưa ra ý kiến, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2024. 
        Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nêu cao quyết tâm tháo gỡ khó khăn; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, quán triệt tinh thần hành động quyết liệt đến toàn hệ thống cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về cải cách hành chính. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung phát triển hạ tầng số, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…

Thanh Giang!