Hướng dẫn, tìm hiểu về Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng quỹ
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Kạn hướng dẫn một số nội dung về Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng quỹ như sau:
- Về nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
(1) Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật này và Luật bảo hiểm xã hội.
(2) Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng.
(3) Mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(4) Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Hình từ Internet)
- Về sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
(1) Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật này; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(2) Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
(3) Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
(4) Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
(5) Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(6) Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
(7) Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
(8) Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
- Về mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 44 - Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
(1) Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
(2)Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:
- a) Khoản đóng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều này;
- b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ theo quy định tại Điều 90 và Điều 91 của Luật bảo hiểm xã hội;
- c) Các nguồn thu hợp pháp khác.
(3) Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1 Điều này.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Kạn triển khai hướng dẫn đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Khu công nghiệp được biết, thực hiện theo quy định./.
Ngọc Hà!