HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Sáng ngày 21 tháng 9 năm 2023 Chính phủ tổ chức Hội nghị của lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ Công tác đã chủ trì các cuộc họp của Tổ Công tác với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các thành viên Tổ Công tác, Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan để triển khai, xem xét và hoàn thiện kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Hình ảnh Tổ Công tác chủ trì các cuộc họp
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Hà Thị Đào, Giám Đốc Sở Tư pháp tỉnh đồng chủ trì cùng toàn thể các đồng chí là thủ trưởng của các Sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Tổ trưởng, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Tổ phó thường trực. Đồng thời, đã kịp thời có văn bản yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, chú trọng bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Hình ảnh đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Hà Thị Đào, Giám Đốc Sở Tư pháp tỉnh tại điểm cầu UBND tỉnh
Kết quả Chính phủ đã tổ chức rà soát đối với toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật còn hiệu lực đến thời điểm rà soát (bao gồm cả các văn bản đã được ban hành nhưng đến thời điểm rà soát chưa có hiệu lực, các văn bản có Dự thảo văn bản thay thế hoặc sửa đổi đang trình Quốc hội, Chính phủ nhưng chưa được thông qua hoặc ký ban hành), trong đó, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá (22 lĩnh vực) và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị. Qua rà soát, đã phát hiện những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan.
Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan đơn vị liên quan có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát tại Báo cáo này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, đảm bảo việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; tuân thủ nghiêm quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát. Tăng cường công tác thẩm tra, giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đảm bảo kết nối giữa hoạt động giám sát việc xây dựng pháp luật với các hoạt động đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp...
Có giải pháp tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật (vừa thiếu so với nhu cầu, khối lượng công việc được giao, vừa yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là khả năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật).
Thông qua Hội nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã tổ chức rà soát đối với toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật còn hiệu lực theo quy định đồng thời kiến nghị những văn bản luật, dưới luật còn quy định trồng chéo, khó thực hiện như Luật Đầu tư, Môi trường, Lao động để trình cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện./.
Thanh Giang!