Những điểm mới nổi bật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức từ 07/12/2023 tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP
Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có hiệu lực thi hành tư ngày 07/12/2023.
Sau đây là tổng hợp những điểm mới nổi bật, đáng chú ý về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức từ 07/12/2023.
- Về thẩm quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức
Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP mở rộng 3 đối tượng xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức gồm: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên) hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này (Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.
Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên) xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo quy định tại khoản này mà không phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt..
- Bổ sung thêm Nội dung trong kế hoạch tuyển dụng:
Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định Nội dung kế hoạch tuyể dụng bao gồm: Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức; Số lượng viên chức cần tuyển ở từng vị trí việc làm; Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển; Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm; Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển; Các nội dung khác (nếu có).
Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung thêm nội dung: Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi.
- Thêm đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức
Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định có 03 đối tượng được ưu tiên, Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung thêm 01 đối tượng. Như vậy, từ 07/12/2023, sẽ có 04 đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào kết quả điểm vòng 2 khi thi hoặc xét vào viên chức, đó là: “Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân: Được cộng 1,5 điểm vào kết quả vòng 2”.
- Thêm trường hợp không phải thi ngoại ngữ
Theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP, ngoài các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ thì các thí sinh khác đều phải thực hiện phần thi này. Tuy nhiên, đến Nghị định 85, Chính phủ quy định:
Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.
Như vậy, theo quy định này, nếu vị trí việc làm nào không cần ngoại ngữ thì thí sinh sẽ không phải thi ngoại ngữ.
Ngoài ra, với các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, Nghị định 85 cũng bổ sung thêm trường hợp có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn của vị trí việc làm dự tuyển
- Sửa đổi hình thức, nội dung và thời gian thi tại Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như:
+ Việc thi tuyển viên chức tại vòng 1 kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy tính (không còn hình thức thi trắc nghiệm trên giấy).
+ Viên chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào được miễn thi kiến thức chung.
+ Tại Phần II vòng 1, đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II.
+ Bổ sung thêm trường hợp miễn thi ngoại ngữ: “Có bằng tốt nghiệp chuyên môn chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo quy định có giá trị tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn về ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.”
- Sửa đổi về nội dung, hình thức xét tuyển viên chức:
Xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng như sau:
- Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này thì được sử dụng thay thế. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp thì Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.
Hội đồng tuyển dụng kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo thông tin người dự tuyển kê khai tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Sau khi trúng tuyển, người trúng tuyển nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
- Sửa đổi quy định Xác định người trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức
- Nghị định 85/2023/NĐ-CP bổ sung: Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm tính vòng 2 bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người trúng tuyển là người đạt kết quả thi phần thi kiến thức chung tại vòng 1 cao hơn nếu có
Trường hợp vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định người trúng tuyển.
- Trường hợp đăng ký 02 nguyện vọng nhưng không trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì được xét ở nguyện vọng 2 nếu vị trí việc làm đăng ký ở nguyện vọng 2 vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét hết nguyện vọng 1, bao gồm cả việc xét nguyện vọng của người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Nghị định này.
Trường hợp có 02 người trở lên bằng điểm nhau ở nguyện vọng 2 thì người trúng tuyển được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp vị trí việc làm vẫn còn chỉ tiêu tuyển dụng sau khi đã xét đủ 02 nguyện vọng thì căn cứ vào kết quả thi, Hội đồng thi báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tuyển dụng đối với người có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển ở vị trí việc làm tại đơn vị khác nhưng có cùng tiêu chuẩn, điều kiện với tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm tại đơn vị còn chỉ tiêu tuyển dụng, cùng Hội đồng thi, cùng áp dụng hình thức thi hoặc viết (vòng 2) và chung đề thi. Người được tuyển dụng trong trường hợp này phải đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Đối với các vị trí việc làm không có người đăng ký dự tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định việc tuyển dụng theo quy định này.
- Thêm nhiều đối tượng không được làm thành viên Hội đồng tuyển dụng
Khi tuyển dụng viên chức, cơ quan có thẩm quyền phải thành lập Hồi đồng tuyển dụng. Trong đó, đối tượng không được làm thành viên hoặc thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP gồm:
Những người có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Trong khi đó, Nghị định 115/2020/NĐ quy định: Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng tuyển dụng.
Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm cô, dì, chú, bác, cậu ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển; những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
- Sửa đổi hồ sơ tuyển dụng viên chức sau khi trúng tuyển:
Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, bao gồm:
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có);
Trường hợp có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Thêm trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng
Theo đó, điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023 là bổ sung thêm trường hợp khác trong khi Nghị định 115 thì chỉ có 03 trường hợp. Như vậy, từ 07/12/2023, có 03 trường hợp người tập sự bị chấm dứt hợp đồng gồm:
- Không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (như quy định cũ)
- Có hành vi vi phạm đạo đức và hoạt động nghề nghiệp đến mức phải xem xét kỷ luật (quy định cũ chỉ nêu chung chung có hành vi vi phạm).
- Trường hợp khác (mới được bổ sung)
- Chính thức bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, Điều luật này quy định điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đến Nghị định 85, Điều 32 đã bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay vào đó chỉ quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
- Không giới hạn số lần bổ nhiệm lại viên chức giữ chức vụ quản lý
Một trong những điểm mới về tuyển dụng viên chức từ 07/12/2023. Cụ thể: Khoản 23 Điều 1 Nghị định 85 nêu rõ: Không hạn chế số lần bổ nhiệm lại viên chức quản lý để giữ một chức vụ quản lý trừ trường hợp Đảng hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Trong đó, thời hạn giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định thời hạn dưới 05 năm.
Quy định cũ lại giới hạn viên chức chỉ được giữ chức vụ quản lý không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp theo pháp luật chuyên ngành. Trong đó, thời hạn giữ chức vụ cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Như vậy, theo quy định này, trừ trường hợp Đảng hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định khác, các trường hợp còn lại, viên chức quản lý được bổ nhiệm lại không hạn chế số lần để giữ một chức vụ quản lý.
- Thêm trường hợp viên chức bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm
13.1. Thôi giữ chức vụ
Theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, có 03 trường hợp được xem xét thôi giữ chức vụ gồm:
+ Do viên chức quản lý tự nguyện, chủ động xin.
+ Do viên chức quản lý không đủ sức khỏe, bị hạn chế về năng lực/không đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách.
+ Do viên chức quản lý có các lý do chính đáng không.
Trong khi đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp nên có tới 05 lý do viên chức quản lý được xem xét từ chức:
+ Do viên chức quản lý bị hạn chế năng lực/không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.
+ Do viên chức quản lý đó không có đủ sức khỏe hoặc vì lý do chính đáng khác.
+ Theo yêu cầu của nhiệm vụ.
+ Do viên chức đó làm cơ quan thuộc quản lý xảy ra sai phạm nghiệm trọng hoặc đơn vị thuộc quyền quản lý/cấp dưới trực tiếp tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
+ Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu.
13.2 Miễn nhiệm
Tương tự như trường hợp bị thôi giữ chức vụ, về các trường hợp miễn nhiệm, Nghị định 85 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ như sau:
- Bổ sung thêm trường hợp miễn nhiệm:
+ Bị kỷ luật cảnh cáo/khiển trách mà bị xác định năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
+ Bị khiển trách, cảnh cáo hai lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm (quy định cũ chỉ ấn định là 02 lần).
+ Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp.
+ Bị kết luận suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều Đảng viên không được làm, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và cơ quan đang công tác.
+ Bị kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm (quy định cũ chỉ nêu vi phạm vi định của Đảng về chính trị nội bộ).
+ Là viên chức quản lý nhưng để đơn vị sự nghiệp công lập dưới quyền mình hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
- Giữ nguyên trường hợp: Có hai năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
- Bãi bỏ trường hợp bị kỷ luật nhưng chưa đến mức cách chức và do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế.
- Hướng dẫn tiền lương viên chức sau 01/7/2024
Nội dung này được quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Theo đó, quy định này để chuẩn bị cho trường hợp từ 01/7/2024 tới đây sẽ thực hiện cải cách tiền lương cho viên chức nói riêng và các đối tượng cán bộ, công chức khác.
Cụ thể, nếu khi có chế độ tiền lương mới thì tiền lương viên chức sẽ thực hiện theo quy định và hướng dẫn mới của cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, các thông tin cụ thể về việc cải cách tổng thể chế độ tiền lương mới chưa được ban hành. Thay vào đó, theo tinh thần của Nghị quyết 27, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương là bảng lương mới sẽ được xây dựng bằng con số cụ thể thay cho hệ số và mức lương cơ sở hiện nay.
Ban Quản lý các khu công nghiệp trân trọng giới thiệu một số nội dung mới đáng chú ý của Nghị định 85/2023/NĐ-CP./.
Bích Liên